Trong quá trình khôn lớn, trẻ sẽ trải qua vô số những cuộc nổi giận hoặc hờn dỗi, ăn vạ mà chẳng vì lý do cụ thể nào. Dù rất khó bình tĩnh nhưng nếu cha mẹ xử lý được những cuộc khủng hoảng của con trong hòa bình thì sau này có bất kỳ vấn đề gì, cha mẹ cũng có thể dễ dàng giải quyết. AMSS xin chia sẻ quy trình quy trình xử lý một cuộc khủng hoảng, ăn vạ của trẻ sẽ có thể sẽ giúp ích rất nhiều cho các bậc phụ huynh:
Tìm hiểu, gọi tên vấn đề
Trong mọi tình huống, cha mẹ hãy bình tĩnh để xem vấn đề thực sự của trẻ là gì. Việc nhắc lại vấn đề là lúc trẻ có thể nhìn nhận lại xem đó có thực sự là vấn đề với mình không. Hãy chấp nhận vấn đề của trẻ, nhưng không có nghĩa là cha mẹ đồng tình và sẽ đồng ý thực hiện nó. Cha mẹ phải hiểu và chấp nhận vấn đề, sau đó mới nên đưa ra ý kiến khuyên nhủ.
Bày tỏ sự đồng cảm với trẻ
Khi nghe thấy tiếng khóc của trẻ, cha mẹ sẽ chỉ muốn con nín ngay lập tức. Nhưng bị ép nín khóc, trẻ sẽ rất ấm ức, chúng không học được cách làm thế nào để kiểm soát được cảm xúc của mình một cách tích cực, và những cảm xúc tiêu cực bị đè nén lâu dài. Thay vì yêu cầu trẻ phải nín ngay, cha mẹ hãy thử làm các bước sau:
▪️ Nếu trẻ khóc vì vòi vĩnh món đồ gì đó: hãy rời khỏi hiện trường hoặc cắt sự chú ý của trẻ và nói: “Bố/mẹ biết là con muốn có món đồ đó, bố/mẹ cũng rất muốn mua cho con. Nhưng vấn đề là + giải thích phù hợp (bố/mẹ không mang đủ tiền, …)
▪️ Nếu khóc vì đau: hãy hỏi trẻ đau ở đâu, đau ra sao, bày tỏ “Nếu là bố/mẹ hồi bé chắc cũng đau lắm” thay vì phủ nhận cảm xúc của trẻ kiểu “Ôi giời, đau gì mà đau” hoặc tệ hơn là trách con “Đi đứng thế à?” bởi trẻ không cố tình làm đau mình.
▪️ Nếu khóc chưa rõ nguyên nhân: có thể cho trẻ ngồi vào góc bình tĩnh, một nơi khiến trẻ thấy an tâm và thoải mái, có những hoạt động, đồ chơi phù hợp cho bé. Sau đó, hãy ngồi bên cạnh con hoặc ôm con rồi nói: “Bây giờ con thấy ổn hơn chưa ? Bình tĩnh nói cho bố/mẹ nghe xem có chuyện gì ?”
Những điều này sẽ làm trẻ cảm giác được lắng nghe, tạo niềm tin với trẻ, tạo cảm giác cha mẹ đang ở cùng phía với mình, là bạn mình, có thiện chí với mình.
Lắng nghe phương án của trẻ và phân tích
Hãy dành cho trẻ nhiều thời gian được nói ra những mong muốn của mình. Cha mẹ cũng nên hỏi ngược lại để bé phải suy nghĩ và sẽ thể hiện sự đồng cảm, nhận ra vấn đề. Nếu trẻ biết dừng vấn đề ở bước này thì bố mẹ hoàn toàn thành công. Nếu trẻ vẫn chưa muốn dừng vấn đề mà đưa ra một phương án khác trong giới hạn chấp nhận được, hãy đồng ý. Còn nếu các phương án của con đều không khả thi, hãy nhớ các phương án của con, sau đó sẽ thảo luận tiếp.
Đưa ra phương án của cha mẹ
Cách đơn giản nhất để kết thúc một cuộc khủng hoảng, ăn vạ là đưa ra các lựa chọn cho trẻ. Thay vì bắt trẻ chọn “Có” hoặc “Không”, hãy cố gắng nghĩ ra vài phương án kiểu “Có” và “Gần với có” để trẻ chọn. Điều cha mẹ cần ghi nhớ khi đưa ra các lựa chọn là các lựa chọn đó phải khả thi và cha mẹ chấp nhận lựa chọn đó. Nếu các lựa chọn đều không được trẻ đồng ý, hãy thảo luận lại vấn đề, cân nhắc các phương án, phân tích lý do vì sao không được. Nếu cha mẹ đưa ra được lý do chính đáng, trẻ sẽ hiểu lí lẽ và chấp nhận; còn nếu không thì hãy chấp nhận phương án của con.
Hỗ trợ trẻ giải quyết vấn đề
Cha mẹ nên cho trẻ tự làm để bé tự giải quyết những vấn đề cá nhân. Nếu thời gian gấp thì có thể làm hộ hoặc hỗ trợ bé làm. Nếu vấn đề vừa xảy ra để lại hậu quả như khiến căn phòng lộn xộn thì bố mẹ cũng nên yêu cầu hoặc hỗ trợ bé dọn dẹp.
Tuyên bố kết thúc “chiến tranh” (high-five, một cái ôm thật chặt,…)
Khi giải quyết xong, cha mẹ nên cố gắng có vài câu “tổng kết nhanh” sự khủng hoảng vừa kết thúc, rồi hỏi trẻ về những gì bé tự nhận ra/rút kinh nghiệm cho lần sau. Sau đó thì gói gọn lại bằng 1 cái high-five thật to, 1 cái ôm thật chặt hoặc bằng câu nói: “Bố/mẹ yêu con”. Đó là cách tốt nhất để nói với trẻ rằng cha mẹ chỉ chỉ trích hành vi của con, không chỉ trích con người con và cha mẹ vẫn luôn yêu con.
Trong thời kỳ khủng hoảng, điều quan trọng nhất cha mẹ cần nhớ là phải thật bình tĩnh và tuyệt đối tránh những kiểu câu mệnh lệnh, tránh dùng những cụm từ phủ định mạnh, tránh trách móc. Và cuối cùng, hãy kiềm chế tâm lý muốn kiểm soát con, kiểm soát vấn đề, phải nói được con mới là cha mẹ tốt. Phải cùng con xử lý và vượt qua khủng hoảng trong hòa bình là những việc tốt nhất mà cha mẹ có thể làm cho trẻ đấy
Nguồn: Sưu tầm