Trẻ phạm lỗi là một trong những điều khó tránh khỏi và việc xử lý thế nào thật khéo léo để trẻ hiểu chuyện không dễ dàng chút nào. Do đó, khi trẻ mắc lỗi, cha mẹ đừng quên áp dụng 2 nguyên tắc quan trọng sau để xử phạt giúp trẻ hiểu chuyện và không bướng bỉnh.
Nguyên tắc 1: Bình tĩnh trước mọi lỗi của trẻ
Nếu bạn không thể bình tĩnh, bạn sẽ không thể làm điều gì tốt hơn trước những sai lầm của trẻ. Trẻ nhỏ rất bướng bỉnh, chúng có thể sẽ quăng đồ đạc, làm bể chén dĩa, bày ra nhà, đánh nhau… và hẳn, nếu mất bình tĩnh bạn sẽ hét vào mặt chúng, đánh chúng… và có thể còn nhiều điều kinh khủng khác để “nạt nộ” chúng.
Bạn cần lên kế hoạch cho việc phạt trẻ và yếu tố bình tĩnh đóng vai trò quan trọng. Chỉ khi bình tĩnh bạn mới có thể xử lý tốt mọi việc vì chung quy lại, trẻ nhỏ cũng chỉ quậy phá có bấy nhiêu thứ thôi và những thứ chúng nghịch ngợm chỉ khiến cho bạn phải dọn thêm một chút mà thôi.
Bạn cần lên kế hoạch xử phạt trẻ như sau:
– Bình tĩnh, thở sâu và đếm từ 1 – 3 để nhịp tim chậm lại và thư giãn.
– Giữ thái độ nghiêm bình thường và bế bé sang 1 bên.
– Thiết lập đồng hồ để thực hiện time-out với trẻ. Lưu ý thời gian time-out trùng với tuổi của trẻ. Ví dụ trẻ 3 tuổi, thời gian là 3 phút.
Nguyên tắc 2: Áp dụng phương pháp time-out
Time-out hay còn gọi là “thời gian tự kiểm điểm”. Đây là phương pháp phạt con ngày càng được các bậc phụ huynh áp dụng phổ biến. Cụ thể, sau mỗi lần con mắc lỗi, cha mẹ sẽ cho trẻ ngồi vào 1 góc yên tĩnh nào đó, sau đó để trẻ tự suy ngẫm về những lỗi sai của mình và rút kinh nghiệm cho lần sau.
Vì sao cần cho trẻ thời gian time-out?
Nhiều nghiên cứu cho thấy, não bộ trẻ có 2 tầng và 2 tầng là cách tiếp nhận, xử lý thông tin của não bộ nhưng với 2 không gian, thời gian khác nhau. Phần lớn, trẻ nhỏ chỉ tiếp nhận thông tin về hành vi của sự việc xảy ra với các biểu hiện sợ hãi, cô đơn, giận dữ nhưng lại chưa biết cách phân tích, suy nghĩ để giải quyết tình huống đúng.
Và các nghiên cứu cũng cho thấy, nếu cha mẹ mắng chửi khi trẻ phạm lỗi trẻ sẽ có xu hướng cố hữu cảm xúc ở tầng tiếp thu hành vi với biểu hiện sợ hãi, trong khi đó nếu cha mẹ cho trẻ thời gian suy ngẫm, giải thích, đưa giải pháp thích hợp trẻ sẽ biết phân tích tình huống, biết đúng sai và giải quyết tình huống.
Mọi đứa trẻ đều trải qua hai giai đoạn này và trưởng thành hơn cả về tâm lý, nhân cách, quan trọng là cách cha mẹ đối mặt với tình huống thế nào.
Lợi ích của time-out
Time-out tốt cho cả bố mẹ và con cái bởi time-out sẽ giúp cha mẹ bình tĩnh, trẻ sẽ học được cách xử lý thông minh từ cha mẹ, giảm bớt tính bạo lực thái quá. Chưa kể, time-out sẽ giúp cha mẹ trả lời 3 câu hỏi:
– Tại sao bé hành xử như vậy?
– Bài học nào bạn muốn dạy bé trong tình huống này?
– Bạn sẽ dạy bé thế nào về bài học này là tốt nhất?
Kết thúc time-out đừng quên giải thích cho bé vì sao bé không nên làm vậy. Hãy cho bé cơ hội sửa sai bất kỳ khi nào có thể.
Nguồn: Sưu tầm